Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào “cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), sáng 10/6, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào “cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” (sau đây gọi chung là phong trào thi đua). Lễ phát động phong trào thi đua được tổ chức trực tuyến đến tất cả các địa phương trên cả nước.

Các đại biểu dự lễ phát động phong trào thi đua tại đầu cầu Hà Nội (ảnh: Thế Đại).

Tại đầu cầu Hà nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động phong trào thi đua. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố …

Các đại biểu dự lễ phát động phong trào thi đua tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh dự và chủ trì. Tham dự có Giám đốc sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; đại diện các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của ngành GD&ĐT

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: “Nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng; mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người. Nhiều điểm “lõm” về giáo dục đã được khắc phục. Có nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ phát động phong trào thi đua (ảnh: Thế Đại).

Theo Thủ tướng, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu. Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc cần cù, hiếu học và luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Truyền thống đó có từ thời xa xưa, tiêu biểu là tư tưởng tự học, tự lập, học tập suốt đời của thầy giáo Chu Văn An, tấm gương mẫu mực về tôn sư trọng đạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, từng căn dặn: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Chính Người cũng là một tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học, tự rèn luyện, học tập suốt đời…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với học sinh trước lễ phát động (ảnh: Thế Đại).

Giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển của xã hội

Làm rõ vấn đề này, Thủ tướng nêu: Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến đổi nhanh chóng, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao. Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng. Lời căn dặn của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia phát triển nào mà không bắt đầu từ giáo dục. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là Chỉ thị số 11 ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, Kết luận số 49 – KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và của từng người dân về vai trò của xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cơ sở.

Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn. Hỗ trợ những người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.

Huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập. Khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết.

Tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hình thành các thư viện cố định và di động ở từng khối xóm, khu phố; khuyến khích văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân.

Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên. Xóa các vùng lõm về điện, sóng viễn thông, tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà tiếp cận Internet và các thành tựu công nghệ mới. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu đáp từ và hưởng ứng phong trào thi đua (ảnh: Thế Đại).

Đắk Lắk quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua

Theo ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, để triển khai hiệu quả phong trào “cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, tỉnh Đắk Lắk đề ra 5 giải pháp cụ thể:

Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn xã hội bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của “xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời” trong nền kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 13078/KH-UBND về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến toàn thể các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về mục tiêu, nhiệm vụ và đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Hai là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình đơn vị học tập trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong các lực lượng vũ trang; đưa kết quả thực hiện xây dựng xã hội học tập vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các cá nhân, cơ quan, đơn vị; tích cực phấn đấu đạt tiêu chí “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập” do Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư – dòng họ, gia đình trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; về học tập suốt đời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 trong nền kinh tế số, xã hội số.

Ba là: Tăng cường công tác phối hợp, liên kết giữa các Sở, ban, ngành , đôàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và Hội Khuyến học các cấp để tổ chức, đa dạng hóa các nội dung học tập, xây dựng một hệ thống giáo dục mở, linh động, phù hợp để phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, trong đó có sự gắn kết giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người trưởng thành; đổi mới các hình thức, phương thức học tập ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các chương trình giáo dục; khai thác nguồn tài nguyên, tư liệu để mở rộng phương pháp tiếp cận và nâng cao năng lực tự học và điều kiện, chất lượng học tập cho mọi người dân; đảm bảo mọi người dân đều được được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các cơ hội học tập, có quyền bình đẳng, công bằng xã hội, được tận dụng các cơ hội để thực hiện quyền, nghĩa vụ trong học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời đem lại lợi ích và đóng góp cho sự phát triển của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bốn là: Tăng cường hợp tác, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển công nghệ đào tạo mở, từ xa; tăng cường phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để huy động các nguồn lực để tổ chức các chương trình, các hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm tạo ra nhiều cơ hội để các tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận, học tập, cùng chung tay góp sức xây dựng xã hội học tập;

Năm là: Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, về thực hiện Kế hoạch số 122 –KH/TU, ngày 09/7/2019 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về triển khai thực hiện Kết luận số 49- KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở hoạt động theo quy định của Nhà nước; phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trở thành công dân học tập, gia đình học tập và đơn vị học tập, gương mẫu làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân; tổ chức biểu dương kịp thời, nhân rộng các mô hình hay, các tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu.

Thành Tâm

Nguồn http://gddt.daklak.gov.vn/